Chả lụa Bình Định tuyệt đối nói không với các loại chất bảo quản, chất tạo dai, tạo ngọt. Độ dai và ngọt của chả có được nhờ vào nguồn nguyên liệu thịt heo tươi ngon nhất. Nguồn nguyên liệu này được lấy trực tiếp tại lò mổ của địa phương.
Nguồn nguyên liệu thịt heo cũng chính là bí quyết quan trọng nhất quyết định tới chất lượng của chả lụa. Dĩ nhiên đằng sau đó còn có công thức nêm nếm, ướp gia vị, thời gian hấp chả,…Nhưng bí quyết sống còn chính là chọn được thịt heo tươi nhất. Đây cũng là bí mật trong nghề làm chả lụa truyền thống Bình Định ít ai chia sẻ.
Làm chả lụa tốn khá nhiều thời gian và công sức. Trong đó khâu chọn thịt là một khâu quan trọng,người thợ chế biến phải biết cách lựa chọn những miếng thịt phải tươi, nhìn bên ngoài đỏ, lọc bỏ hết da rửa sạch cho ngay vào tủ lạnh. Đến khi vừa đông thì lấy ra xắt lát nhỏ, ướt đều gia vị, cho vào máy xay nhuyễn.
Bỏ thịt vào bịch tiếp tục cho vào tủ lạnh, đông đá thì ta lại lấy ra xay một lần nữa. Bạn có thể xay thịt từ 2 đến 4 lần như vậy, xay càng nhiều thì chả lụa khi hấp xong sẽ mịn và ngon hơn. Lần cuối cho thêm một ít bột nổi để cây chả được bóng hơn. Thịt sau khi xay xong sẽ có màu hồng nhạt. Cho thịt vào khuôn và hấp khoảng một tiếng, chả chín vớt ra chờ nguội. Lấy chả ra khỏi khuôn và gói lại bằng lá chuối. Cách làm này thì lá chuối vẫn còn màu xanh tươi rất đẹp mắt.
Khi chả đã nguội hoàn toàn, cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Chả lụa có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tuần, nếu thấy chả bị nhớt nghĩa là chả đã bị thiu thì bạn không nên tiếp tục dùng. Khi ăn, cắt khoanh và xắt thành miếng nhỏ vừa ăn.